Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2018

101 cách chẩn mạch trong Đông Y!

Thể theo yêu cầu của quý độc giả, tôi đã cố gắng mấy hôm nay, và đã hoàn thành xong phần khái quát về mạch chẩn. Tôi đã cố gắng viết cô đọng để người không biết sau khi đọc xong cũng có được một ít khái niệm về mạch chẩn. Vì không có thời gian để chỉnh sửa, nên sẽ có những chỗ sai, hoặc khó hiểu. Mong mọi người đọc xong góp ý.

I ¿ NGUYÊN LÝ SỰ HÌNH THÀNH MẠCH TƯỢNG


Mạch tượng tức là hình tượng mạch động dưới ngón tay. Tâm chủ huyết mạch, bao quát hai phương diện huyết và mạch. Mạch là phủ của huyết, tâm với mạch liên thông với nhau, nhịp đập của tâm có quy luật, thúc đẩy huyết dịch vận hành trong huyết quản, mạch quản (huyết quản) cũng theo quy luật đó mà có nhịp đập tương ứng. Cùng với sự thúc đẩy hoạt động của huyết dịch trong mạch quản còn có sự góp phần của Tông khí. Huyết dịch tuần hoàn trong mạch quản, du bố đến toàn thân, tuần hoàn không ngưng nghỉ, ngoài tác dụng chủ đạo của tạng tâm ra, còn cần phải nhờ đến sự hiệp điều phối hợp bởi các tạng khí khác. Phế triều bách mạch (trăm mạch tụ hội về phế), mà phế lại chủ khí, thông qua sự phân bố của Phế khí, huyết dịch mới có thể bố tán toàn thân; Tỳ Vị là nguồn sinh hóa của khí huyết, tỳ chủ thống nhiếp huyết; Can tàng huyết, chủ về sơ tiết, điều tiết lưu lượng máu tuần hoàn trong cơ thể. Thận tàng tinh, tính hóa khí, là gốc rễ của khí dương trong cơ thể con người, là nguồn động lực của công năng hoạt động các tổ chức tạng phủ. Mà tinh lại có thể hóa sinh huyết, là một trong những cơ sở vật chật để sinh thành huyết dịch. Vì vậy, sự hình thành của mạch tượng có tương quan mật thiết với khí huyết tạng phủ.

II ¿ Ý NGHĨA CỦA CHẨN MẠCH TRÊN LÂM SÀNG


Sự hình thành của mạch tượng, tuy có mối tương quan mật thiết với tạng phủ khí huyết, vì vậy, khí huyết tạng phủ phát sinh bệnh biến, sự vận hành của huyết mạch sẽ bị ảnh hưởng, mạch tượng sẽ bị biến hóa. Vì vậy, thông qua sự biến hóa của việc chẩn mạch, có thể phán đoán được vị trí, tính chất, sự suy thịnh tà chính của bệnh tật, và có thể suy luận được sự tiến lui biến hóa của bệnh tật.

1 ¿ Phán đoán vị trí, tính chất, và chính tà thịnh suy của tật bệnh:


Biểu hiện của bệnh tất thường rất phức tạp, nhưng từ vị trí nông sâu của bệnh tật, không ở biểu thì ở lý, mà sự phù trầm của mạch tượng, thường biểu hiện rất đầy đủ sự nông sâu của vị trí bệnh. Mạch phù, thì vị trí bệnh là ở biểu; mạch trầm thì vị trí bệnh là ở lý. Tính chất của bệnh tật có thể phân ra hàn chứng và nhiệt chứng. Trì sác của mạch tượng, có thể phản ánh tính chất của bệnh tật, như mạch Trì thì đa phần là hàn chứng; mạch sác là chủ nhiệt chứng. Tiêu trưởng trong đấu tranh của tà chính, sinh ra biến hóa bệnh lý hư thực; sự vô lực hay hữu lực của mạch tượng, có thể phản ánh triệu chứng hư thực của bệnh tật. Như mạch hư nhược vô lực, là hư chứng của chứng chính khí bất túc; mạch thực hữu lực, là thực chứng của chứng tà khí kháng thịnh.

2 ¿ Suy luận sự tiến lui và biến chứng của bệnh tật.


Chẩn mạch đối với việc suy luận sự tiến lui biến chứng của bệnh tật, có một ý nghĩa lâm sàng hết sức quan trọng. Như bệnh lâu ngày mà thấy mạch hoãn, thì đó là vị khí đang phục hồi dần, có dấu hiệu bệnh thuyên giảm; bệnh lâu ngày như khí hư, hư lao, mất máu, tiết tả lâu ngày, mà thấy mạch hồng, thì đa phần là thuộc nguy chứng thuộc tà thịnh chính suy.
99 Cách chẩn mạch trong Đông Y!
Ngoại cảm nhiệt bệnh, thế nhiệt dần lui, mạch tượng xuất hiện hoãn hòa, đó là dấu hiệu bệnh thuyên giảm; nếu mạch gấp gáp, phiền táo, thì đó là dấu hiệu của nguy chứng.

III ¿ BỘ VỊ CHẨN MẠCH


Bộ vị chẩn mạch gồm có Biến chẩn pháp (遍诊法), Tam bộ chẩn pháp (三部诊法), và Thốn khẩu chẩn pháp (寸口诊法).

¿Biến chẩn pháp¿ được nói đến trong thiên ¿Tam Bộ Cửu Hậu Luận¿ sách Tố Vấn. Trong thiên này đề cập đến bộ vị xem mạch gồm ba nơi đầu, tay, chân. Tam bộ tức là ¿Nhân nghênh¿ (động mạch cảnh), thốn khẩu (bộ vị xem mạch tại cổ tay), Trật dương (còn gọi là Xung dương, vị trí ở động mạch lưng bàn chân). Hai cách xem mạch ở Nhân nghênh và Trật dương người đời sau ít dùng, từ đời Tấn đến nay, phổ biến nhất vẫn là xem mạch ở bộ vị thốn khẩu. Xem mạch ở bộ vị thốn khẩu được nói đến đầu tiên ở sách Nội Kinh, chủ trương chỉ xem mạch ở một mình thốn khẩu được nói đến trong sách ¿Nạn Kinh¿, nhưng lúc đó, chủ trương này còn chưa được dùng phổ biến, đến đời Tấn, Vương Thúc Hòa (được mệnh danh là ¿Mạch Vương¿) viết cuốn ¿Mạch Kinh¿, mới phổ biến phương pháp xem mạch ở thốn khẩu.

Thốn khẩu còn gọi là Mạch khẩu, Khí khẩu. Vị trí ở vùng mạch động sau cổ tay. Lý luận xem mạch ở thốn khẩu được căn cứ trên lý luận: Thốn khẩu là nơi mạch động của thủ thái âm Phế, là nơi tụ hội của khí huyết, mà sự vận hành khí huyết của kinh mạch mười hai tạng phủ, đều bắt đầu tại Phế, mà kết thúc cũng tại Phế, vì vậy bệnh biến của khí huyết tạng phủ có thể phản ánh ở thốn khẩu. Ngoài ra, kinh thủ thái âm Phế bắt đầu từ Trung tiêu, cùng là kinh Thái âm với tỳ, tương thông với khí của Tỳ Vị, mà Tỳ Vị là gốc của hậu thiên, là nguồn sinh hóa của khí huyết, vì vậy sự thịnh suy của khí huyết tạng phủ đều có thể có thể phản ánh qua thốn khẩu, cho nên chẩn mạch ở thốn khẩu thì có thể nắm bắt được bệnh biến của toàn thân.

Thốn khẩu phân ra ba bộ gồm: Thốn, Quan, Xích. Bắt đầu lấy mốc từ xương cao, ngang với lồi cầu xương quay, từ mốc đó hơi lui về sau một chút là bộ vị Quan, trên bộ Quan (nơi đầu lằn chỉ cổ tay) là bộ vị của Thốn, dưới Quan là bộ vị của Xích. Mỗi tay đều có 3 bộ là Thốn, Quan Xích, tổng cộng là sáu bộ mạch. Thốn, Quan, Xích có thể phân ra ba mức (tam hậu) Phù, Trung, Trầm, là ¿tam bộ cửu hậu¿ của phép chẩn mạch ở Thốn khẩu.

Qua nhiều thời đại, mỗi y gia có mỗi cách quy nạp khác nhau, nhưng nhìn chung các quan điểm đều thống nhất như sau:

Bộ thốn - bên trái: Tâm, Đản trung; bên phải: Phế, lồng ngực.

Bộ Quan ¿ bên trái: Can đởm, hoành cách mô; bên phải: tỳ vị.

Bộ xích - bên trái: Thận âm, bụng dưới; bên phải: Thận dương, bụng dưới.

IV ¿ PHƯƠNG PHÁP CHẨN MẠCH VÀ CÁC ĐIỀU CẦN LƯU Ý


1 ¿ Thời gian:


Thời gian chẩn mạch tốt nhất là vào lúc trời sáng. Vì vào buổi sáng, người bệnh chưa ăn uống, hoạt động, lúc đó âm khí chưa động, dương khí chưa tán, vị khí đầy đủ. (Nhưng theo kinh nghiệm lâm sàng, tôi cho rằng, cần bắt mạch buổi sáng là để kiểm tra âm dương, khí huyết. Còn mạch bệnh thì bất cứ lúc nào cũng đều có thể xem được).

Nói chung, yêu cầu về thời gian chẩn mạch chủ yếu là để có được sự ổn định về tình trạng bên trong và hoàn cảnh bên ngoài. Trước khi bắt mạch, nên để cho bệnh nhân nghỉ ngơi ổn định từ 5 đến 10 phút, để khí huyết bình hòa; người thầy thuốc cũng cần phải tịnh tâm, sau đó mới chẩn mạch. Đồng thời, trong khi chẩn mạch người thầy thuốc cẩn tập trung, không nói chuyện. Phòng chẩn bệnh cần yên tĩnh. Trong một số hoàn cảnh và điều kiện đặc biệt, thì cũng không cần phải câu nệ vào các điều kiện trên.

2 ¿ Tư thế:


Người bệnh có thể ngồi hoặc nằm, tay để thăng bằng, tốt nhất là để ngang với Tâm, bàn tay ngửa thẳng, dưới cổ tay thầy thuốc cần để một gối xem mạch, như vậy sẽ giúp cho sự vận hành của khí huyết không bị trở ngại, có thể phản ánh đúng tình hình thể trạng của bệnh nhân.

3 ¿ Cách đặt ngón tay:


Thầy thuốc và bệnh nhân ngồi giáp cạnh mặt bên của nhau (không ngồi đối diện). Lúc đặt ngón tay để xem mạch, trước tiên dùng ngón giữa án tại bộ Quan, tiếp theo dùng ngón trỏ án tại bộ Thốn, sau đó ngón vô danh án tại bộ xích. Sau khi đặt đúng vị trí, ba ngón tay hơi cong lại (bạn tưởng tượng lòng bàn tay khum lại như đang có một quả chanh), các đầu ngón tay đều nhau, dùng bụng đầu ngón tay tiếp xúc với mạch. Độ thưa hở của ngón tay cũng tương ứng tùy theo chiều cao và lứa tuổi của người bệnh. Ba ngón tay cùng ấn xuống với lực bằng nhau thì gọi là ¿tổng án¿; khi dùng một ngón tay để xem một bộ vị nào đó thì gọi là ¿đơn án¿. Trên lâm sàng, Tổng án, và Đơn án thường hay linh hoạt phối hợp xử dụng. Dùng đơn án để kiểm tra các bộ vị ở thốn khẩu, là để kiểm tra xem bệnh ở kinh nào, tạng nào; dùng tổng án là để thẩm định bệnh biến của ngũ tạng lục phủ.

Chẩn mạch trẻ con (tiểu nhi) thì có thể dùng ¿nhất chỉ định quan pháp¿ (dùng ngón cái để xem ở bộ Quan), mà không cần phải chia 3 bộ. Vì thốn khẩu của tiểu nhi ngắn, không thể phân ra bộ được.

4 ¿ nặng nhẹ dò tìm:


Đây là một loại thủ pháp mà thầy thuốc dùng lực nặng nhẹ, xoay chuyển của ngón tay để thăm dò mạch tượng. Điều quan trọng khi xem mạch gồm có ba điều, đó là ¿cử¿, ¿án¿, ¿tầm¿. Dùng lực nhẹ của ngón tay đặt trên da, gọi là¿Cử¿, còn gọi là ¿phù thủ¿, hoặc ¿khinh thủ¿; dùng lực nặng của ngón tay đè xuống đến giữa vùng cân (gân) và cốt (xương) thì gói là¿án¿, còn gọi là ¿trầm thủ¿, hoặc là ¿trọng thủ¿, ¿trọng án¿; lực ngón tay không nặng không nhẹ, hoặc vừa nhẹ, vừa nặng, ngón tay mềm mại uyển chuyển tìm mạch thì gọi là ¿tầm¿. Vì vậy, người thầy thuốc lúc chẩn mạch cần phải chú ý đến sự biến hóa giữa Cử, Án, Tầm. Ngoài ra, lúc ba bộ mạch có sự khác nhau, thì còn cần phải từ từ chuyển động từng ngón tay trong ngoài để cảm nhận mạch tượng.

5 ¿ Hơi thở đều:


Một lần hít vào (hấp) một lần thở ra (hô) gọi là một tức (một hơi thở). Lúc chẩn mạch, hơi thở của người thầy thuốc cần phải đều đặn. Thời gian của một hô, một hấp được gọi là một chí (chí xác), như các mạch trì, sác, hoãn, tật ¿ của mạch tượng lúc chính thường cùng lúc bệnh tật, đều lấy hơi thở để tính. Ngày nay, thường dùng đơn vị tính giây của đồng hồ để hỗ trợ cho việc bắt mạch.

6 ¿ Ngũ thập động (năm mươi lần động):


Mỗi lần chẩn mạch, cần đầy đủ năm mươi lần động, tức là cẩn đủ năm mươi lần mạch máy động. Việc này có hai ý nghĩa: một là để chắc chắn không bỏ sót các mạch Súc, Kết, Đợi; hai là nhấn mạnh ý xem mạch không thể sơ sài, cần phải phân biệt rõ nội dung ý nghĩa của mạch tượng. Nếu ngũ thập động lần đầu tiên mà không phân biệt được rõ ràng, thì có thể xem đến lần thức nhì, thậm chí ngũ thập động lần thứ ba. Nói chung, mỗi lần xem mạch thì cần thời gian từ 2 ¿ 3 phút.

V ¿ MẠCH TƯỢNG CHÍNH THƯỜNG


Người xưa gọi mạch tượng chính thường (mạch bình thường không có bệnh) là ¿Bình mạch¿. Hình thái của mạch tượng chính thường là cả ba bộ đều có mạch, một ¿tức¿ có bốn ¿chí¿, không phù không trầm, không lớn không nhỏ, thung dung hòa hoãn, nhu hòa hữu lực, tốc độ theo đúng chí, trầm thủ ở xích mạch có lực nhất định, đồng thời theo sự khác nhau của hoạt động của con người, và hoàn cảnh khí hậu bên ngoài, mà có thay đổi chính thường tương ứng. Mạch tượng chính thường có ba đặc điểm là Vị, Thần, Căn.

- Có Vị:


Mạch tượng có vị khí, người xưa có nhiều cách nói, nhưng nói chung lại, mạch tượng chính thường không phù không trầm, không nhanh không chậm, thung dung hòa hoãn, nhịp độ đủ một chí, đó là có Vị khí. Dù cho là mạch bệnh, không cứ là Phù, Trầm, Trì, Sác, nếu là biểu hiện hòa hoãn, thì đều là có Vị khí.

Mạch có Vị khí, tức là bình mạch; mạch thiếu Vị khí, thì là mạch bệnh; mạch không có Vị khí, thì đó hoặc là mạch của một tạng phủ, hoặc là bệnh nặng khó chữa. Vậy nên mạch có vị khí hay không, đối với việc chẩn đoán lành dữ, dự đoán trên lâm sàng có một ý nghĩa hết sức quan trọng.

- Có Thần:


Hình thái của mạch tượng có thần, tức là mạch đến nhu hòa. Như thấy mạch huyền, thực, nhưng trong mạch huyền, thực vẫn có dấu hiệu của nhu hòa; mạch vi, nhược, nhưng trong mạch vi, nhược không hoàn toàn là vô lực, thì đều được gọi là mạch có thần. Sự thịnh suy của Thần, đối với việc phán đoán bệnh tật, có một ý nghĩa nhất định. Nhưng cần kết hợp ba điều kiện là Thanh (tiếng nói, tiếng thở), sắc, hình, mới có thể đưa ra một kết luận chính xác. Mạch có Vị, có thần, đều là dấu hiệu cho thấy thể trạng mạnh khỏe; có Vị thì có thần, cho nên trên lâm sàng, phép chẩn Vị và thần đều là một.

- Có Căn:


Trầm thủ ba bộ mạch thấy có lực, hoặc trầm thủ mạch trì mà có lực, thì đó là hình thái của mạch tượng có căn. Hoặc trong lúc phát bệnh, thận khí vẫn còn, gốc tiên thiên chưa tuyệt, mạch xích trầm thủ còn thấy, thì vẫn còn sống. Nếu mạch phù đại tán loạn, đè xuống thì không thấy, thì đó là mạch không có căn, là nguyên khí ly tán, biểu hiện tình trạng bệnh đang nguy cấp.

Mạch tượng chính thường, tùy theo sự ảnh hưởng của các nhân tố bên trong cơ thể và hoàn cảnh bên ngoài, mà có sự biến hóa sinh lý tương ứng.

Khí hậu bốn mùa: Do ảnh hưởng bởi khí hậu, sự biến hóa của bình mạch gồm có mùa Xuân thì huyền, mùa Hạ thì Hồng, mùa Thu thì Phù, mùa Đông thì Trầm.

Hoàn cảnh địa lý: Hoàn cảnh địa lý cũng có thể ảnh hưởng đến mạch tượng. như vùng hướng nam thấp, khí hậu thiên về ấm, không khí ẩm thấp, da thịt con người thưa hở, nên mạch đa số là tế mềm, hoặc sác thưa; phương bắc thuộc vùng cao, không khí khô ráo, khí hậu thiên về hàn, vì vậy da thịt con người kín chắc, nên mạch thường trầm thực.

Giới tính: mạch tượng phụ nữ so với nam giới thì mềm yếu mà nhanh gấp; người phụ nữ sau kết hôn, thì thường xuất hiện mạch hoạt sác, mà sung hòa.

Lứa tuổi: tuổi càng nhỏ, thì mạch càng nhanh. Tiểu nhi mới sinh, một phút mạch có thể đi từ 120 ¿ 140 lần; trẻ năm sáu tuổi, mỗi lần đi từ 90 ¿ 110 lần; tuổi trưởng thành thì mạch dần hòa hoãn. Thanh niên đang phát triển thì mạch hữu lực; người già khí huyết hư nhược dần, tinh lực dần suy, thì mạch nhược hơn.

Thể hình: người có thân hình cao lớn, thì bộ vị mạch dài hơn; người nhỏ nhắn, thì bộ vị mạch ngắn; người gầy, cơ thịt ít, thì mạch thường phù; người béo, da nhiều mỡ, thì mạch thường trầm. Bình thường nếu thấy mạch đều trầm tế, mà không có dấu hiệu bệnh tật, thì gọi là ¿lục âm mạch¿ (sáu mạch có tính âm); sáu bộ mạch thường thấy đều hồng đại mà không thấy bệnh, thì gọi là ¿lục dương mạch¿.

Tình chí: trong nhất thời tinh thần bị kích động, mạch tượng cũng phát sinh thay đổi. Như vui mừng thì sẽ tổn thương Tâm, mà có mạch Hoãn; giận dữ tổn thương Can mà có mạch Cấp; kinh sợ thì tổn khí loạn, mà có mạch Động. Điều đó cho thấy sự thay đổi của tình chí, có thể dẫn đến sự thay đổi mạch tượng. Nhưng lúc sau khi tình chí phục hồi, mạch tượng cũng khôi phục trở lại bình thường.

Lao động vất vả: Vận động liên tục, hoặc đi xa, mạch đều cấp tật; con người sau khi chìm vào giấc ngủ, thì mạch sẽ trì, hoãn; người thường hay lao động trí óc, mạch đa phần yếu hơn so với người lao động.

Ăn uống: sau khi ăn cơm, uống rượu, mạch đa phần là sác mà có lực; khi đọi bụng, mạch hơi hoãn mà vô lực.

Ngoài ra, có một số người, mạch không thấy ở thốn khẩu, mà từ bộ xích lệch về phía lưng bàn tay mới có, đó gọi là ¿tà phi mạch¿; nếu mạch xuất hiện ở vùng lưng bên của thốn khẩu, thì gọi là ¿phản quan mạch¿. Còn nếu như mạch xuất hiện ở những vị trí khác ở vùng cổ tay, thì đều là vị trí mạch sinh lý khác thường (không phải mạch bệnh lý).

VI ¿ MẠCH TƯỢNG BỆNH LÝ


Bệnh tật được phản ánh nơi biến hóa của mạch tượng thì gọi là ¿mạch bệnh¿. Nói chung, ngoại trừ phạm vi mạch tượng biến hóa sinh lý bình thường, cùng với biến hóa sinh lý khác thường của cá thể ra, thì đều là mạch bệnh. Mạch tượng bệnh lý khác nhau, phản ánh bệnh chứng khác nhau. Trong các sách về mạch học sớm nhất như ¿Mạch Kinh¿ thì đưa ra hai mươi bốn loại mạch tượng; ¿Cảnh Nhạc Toàn Thư¿ thì đưa ra mười sáu loại mạch tượng; ¿Tần Hồ Mạch Học¿ thì đưa ra hai mươi bảy loại; ¿Chẩn Gia Chính Nhãn¿ của Lý Sĩ Tài thì thêm vào mạch Tật, nên ngày nay thường dụng đầy đủ là hai mươi tám mạch.

Mạch tượng thông qua bốn phương diện là: Vị, Sác, Hình, Thế, để kiểm tra. Vị tức là bộ vị, vị trí, ý nói đến độ nông sâu của ngón tay trên da.

Mạch vị chia ra Phù, Trầm. Hiển thị ra ở nơi cạn dưới da thì gọi là mạch Phù; ở nơi sâu trầm trong gân, xương thì gọi là mạch trầm. Sác, tức là Chí sác (tốc độ mạch, sác này chỉ về tốc độ, không phải là danh từ để chỉ về mạch Sác), là tốc độ của mạch đi dưới ngón tay. Chí sác chia ra thành Trì, Sác. Một tức (hơi thở) mà không đủ bốn chí, thì gọi là Trì; một tức mà mạch đi năm, sáu chí thì gọi là Sác. Hình, tức là hình thái, bao gồm sự thưa dày của mạch quản, cùng đặc thù hình tượng, phân biệt hình tượng của mạch dưới ngón tay. Như mạch Khâu thì giống cọng hành, mạch Động thì giống hạt đậu. Thế, tức là lực của mạch hoặc khí thế của mạch, dùng để phân biệt hư thực. Như mạch đến Đại, hữu lực thì đó là thực; mạch thế nhỏ, vô lực là mạch hư.

Trong hai mươi tám mạch bệnh, còn phân biệt ra mạch đơn với mạch phức. Có mạch, trong phương diện Vị, Sác, Hình, Thế, chỉ có sự biến hóa đơn (một mình), như mạch Phù, mạch trầm, có biểu hiện biến hóa mạch vị; mạch trì, sác, biểu hiện sự biến hóa của chí sác. Sự hình thành biến hóa đơn phương diện của loại mạch này, được gọi là ¿mạch đơn nhất¿. Có nhiều mạch tượng cần phải từ nhiều phương diện như: vị, sác, hình, thế, để tổng hợp quan sát, mới có thể tiến hành phân biệt. Như mạch nhược là do ba mạch Hư, Trầm, Tiểu hợp thành; mạch Lao là do năm mạch Trầm, Thực, Đại, Huyền, Trường hợp lại mà thành; mạch Phù Đại hữu lực, thế mạnh, là mạch Hồng v.v¿ Loại mạch được hình thành từ sự biến hóa của hai, hoặc hai loại mạch trở lên, thì được gọi là mạch phức hợp. Mạch đơn nhất thường thường không thể phản ánh toàn diện bản chất tật bệnh được, mà mạch phức hợp mới có thể từ phản ánh được tình hình bệnh tật từ nhiều phương diện. Trừ hai mươi tám loại mạch đã đề cập bên trên, còn thường thấy một số mạch cùng xuất hiện với nhau, còn gọi là mạch tương kiêm, như mạch Phù Khẩn; Phù Hoãn; Trầm Tế, Hoạt Sác v.v¿

A ¿ Phân loại mà tượng với chủ bệnh:


a - Nhóm mạch Phù:


Nhóm mạch Phù gồm có sáu mạch là Phù, Hồng, Nhu, Tán, Khâu, Cách. Vì vị trí mạch này ở nông, phù thủ là thấy ngày, nên quy nạp vào một nhóm.

1 - Mạch Phù:


Mạch tượng: để nhẹ tay là thấy, đè xuống thì hơi giảm mà không rỗng, nhấc tay lên thì thấy nổi lên mà hữu dư, giống như gỗ nổi trên mặt nước.

Chủ bệnh: Biểu chứng, hư chứng.

Mạch lý: Mạch phù chủ biểu, phản ánh vị trí bệnh tà đang ở cơ biểu kinh lạc, xâm nhập vùng cơ nhục, vệ dương trỗi lên kháng lại, mạch khí nổi mạnh ra bên ngoài, mạch gặp ngón tay chạm vào thì phù (nổi) lên, nên mạch Phù có lực. Bệnh lâu nội thương, thể trạng hư nhược, dương khí không thể ẩn náu bên trong mà phù vượt ra bên ngoài, cũng có thể thấy mạch phù, nhưng có thể thấy rõ rệt Phù Đại mà vô lực.

2 - Mạch Hồng:


Mạch tượng: mạch Hồng rất lớn, mạch như con sóng cuồn cuộn tuôn trào, đến thì mạnh, đi thì yếu.

Chủ bệnh: chứng lý nhiệt.

Mạch lý: Hình thái của mạch Hồng là bởi Dương khí hữu dư mà có, khí ủng tắc, hỏa kháng lên trên, nội nhiệt sung mãnh, khiến cho mạch đạo trướng căng, khí thịnh huyết tuôn trào, nên mới thấy mạch Hồng. Nếu bệnh lâu ngày, khí hư hoặc các chứng hư lao, thất huyết, tiết tả lâu ngày, mà xuất hiện mạch Hồng, thì sẽ khiến sinh các nguy chứng chính khí hư, tà khí thịnh, hoặc âm dịch khô kiệt, cô dương độc kháng (dương một mình không có âm nên kháng mạnh lên trên), hoặc hư dương vong thoát (dương hư thoát ra ngoài). Lúc này, phu thủ thì thấy mạch Hồng, trầm thủ thì vô lực, vô thần.

3 ¿ Mạch Nhu:


Mạch tượng: phù mà nhỏ mềm, như bông nhúng trong nước.

Chủ bệnh: hư chứng, thấp chứng.

Mạch lý: mạch Nhu chủ về các chứng hư, nếu là tinh huyết lưỡng thương (cả tinh và huyết đều bị tổn thương), âm hư không nâng đỡ cho dương, thì mạch phù nhuyễn (mềm); tinh huyết không sung thịnh, thì mạch tế; nếu là khi hư dương suy, hư dương không thâu liễm về được, mạch cũng phù nhuyễn, phù mà tế nhuyễn thì đó là mạch Nhu. Nếu thấp tà tắc trở trong mạch đạo, cũng thấy mạch Nhu.

4 ¿ Mạch Tán:


Mạch tượng: Phù tán không có gốc, mạch đến không đều. Như hoa cây liễu rũ bay trong gió.

Chủ bệnh: Nguyên khí ly tán.

Mạch lý: Mạch Tán chủ nguyên khí ly tán, đây là dấu hiệu nguy chứng của khí tạng phủ đang tuyệt. Vì lực của Tâm đã kiệt, âm dương không thâu liễm lại được, Dương khí ly tán, nên mạch đến Phù Tán mà không Khẩn, nếu đè nhẹ xuống thì sẽ không thấy mạch, mạch chậm không có gốc nguồn; âm suy dương tiêu hư, Tâm khí không thể dẫn dắt huyết dịch vận hành, nên mạch mạch đến lúc nhanh lúc chậm, không đều.

5 ¿ Mạch khâu (có một số sách in nhầm thành mạch Khổng).


Mạch tượng: mạch Phù Đại, nhưng bên trong rỗng không, giống như cọng hành.

Chủ bệnh: thất huyết (mất máu), thương âm (phần âm bị tổn thương).

Mạch lý: mạch Khâu đa phần thấy trong các chứng thất huyết, thương âm, nên sự xuất hiện của mạch Khâu có liên quan đến tình trạng âm huyết bị tổn thất, mạch quản không sung mãn. Vì đột ngột mất máu quá nhiều, lượng máu đột ngột giảm đi, doanh huyết bất túc, không thể sung dưỡng cho mạch được, hoặc tân dịch bị tổn thương nặng, huyết không được nuôi dưỡng, huyết thất âm thương thì sẽ khiến cho dương khí không có nơi ẩn náu mà phù vượt ra ngoài, vì vậy mà hình thành mạch Khâu, được kết hợp từ hai mạch Phù Đại, bên trong rỗng không.

6 ¿ Mạch Cách:


Mạch tượng: phù mà đập rõ dưới ngón tay, bên trong rỗng, bên ngoài chắc, cảm giác khi án mạch như đè lên da mặt trống.

Chủ bệnh: vong huyết (mất máu), Thất tinh (tinh kiệt do các bệnh về nam nữ khoa), bán sản (hư thai liên tục), lậu hạ (băng huyết).

Mạch lý: mạch cách là mạch kết hợp giữa mạch Huyền và mạch Khâu, do tinh huyết hư, khí không có nơi ẩn náu mà phù vượt ra ngoài. Do âm hàn thúc bó bên ngoài, nên bên ngoài thì mạnh chắc, mà bên trong rỗng không.

b ¿ Loại mạch Trầm:


Mạch tượng của loại mạch trầm gồm có bốn mạch là: Trầm, Phục, Nhược, lao. Vị trí mạch ở sâu, trọng án mới thấy, nên quy nạp vào một loại.

1 ¿ Mạch Trầm:


Mạch tượng: đặt nhẹ tay thì không thấy, đè sâu mới thấy, giống như đá chìm dưới đáy nước.

Chủ bệnh: các chứng bệnh thuộc lý. Cũng có thể thấy ở người bình thường không có bệnh.

Mạch lý: bệnh tà đi vào lý, chính khí đấu tranh với tà khí bên trong, khí huyết tổn thương bên trong, nên mạch trầm mà vô lực, là chứng lý thực; nếu tạng phủ hư nhược, dương khí suy vi, khí huyết bất túc, không đủ lực để thống vận doanh khí ra ngoài biểu, nên mạch trầm mà vô lực, thuộc chứng lý hư.

2 ¿ Mạch Phục:


Mạch tượng: đè mạnh tay đến gân và xương mới bắt đầu thấy mạch, nặng thì phục (ẩn nấp) mà không thấy mạch.

Chủ bệnh: tà bế bên trong, chứng quyết (chứng bệnh đột ngột hôn mê, đôi khi kèm theo triệu chứng lạnh chân tay, chứng này gồm có các chứng về Khí, Huyết, Đàm, Thực, Thử). Cơn đau kịch liệt.

Mạch lý: vì tà bệnh ẩn nấp bên trong (phục), mạch khí không tuyên thông được, mạch đạo bị che lấp không hiển thị được mà xuất hiện mạch Phục. Nếu dương khí suy vi muốn tuyệt, không thể cổ động huyết mạch cũng có thể thấy mạch Phục. Có trường hợp mạch Phục do thực tà sinh bệnh nặng; có trường hợp bệnh lâu ngày khiến chính khí suy.

3 ¿ Mạch Nhược:


Mạch tượng: mạch rất mềm mà trầm tế.

Chủ bệnh: chứng khí huyết, âm dương đều hư.

Mạch lý: âm dương bất túc, không thể sung dượng cho mạch đạo, dương suy khí thiếu, không có lực để cổ động, thúc đậy cho huyết lưu hành, nên mạch đến trầm, tế, nhuyễn, mà hình thành mạch Nhược.

4 ¿ Mạch Lao:


Mạch tượng: trầm án thấy Thực, Đại, Huyền, dài, chắc chặt không di chuyển.

Chủ bệnh: Âm hàn ngưng kết, Nội thực kiên tích (bệnh trong đình trệ).

Mạch lý: sự hình thành mạch Lao, là do bệnh khí nhốt giữ bên trong, âm hàn tích đình bên trong, dương khí ẩn bên dưới, nên mạch đến trầm mà thực (chắc), đại (lớn), huyền (căng), trường (dài), chắc chặt không di chuyển. Mạch Lao chủ chứng thực, có chia ra thành khí, và huyết. Chứng trưng hà có u khối, thì là thực chứng ở Huyết phần; tắc trở mà không có u, thì là thực chứng ở Khí phần. Nếu mạch lao mà có kèm theo mất máu, âm hư, thì đó là nguy chứng của chứng âm huyết bạo vong.

c ¿ Nhóm mạch Trì:


Mạch tượng của nhóm mạch Trì gồm có bốn loại: Trì, Hoãn, Sáp, Kết. Mạnh đi chậm, một hơi không đủ bốn đến năm chí, nên đều được quy nạp vào một loại.

1 ¿ Mạch Trì:


Mạch tượng: mạch đến chậm chạp, một hơi không đủ 4 chí (tương đương với mỗi phút mạch đi khoảng 60 nhịp trở xuống).

Chủ bệnh: mạch này chủ chứng hàn. Trì mà có lực là cơn đau do hàn tích; Trì mà vô lực là chứng hư do hàn. Vận động viên trải qua sự tập luyện thường xuyên cũng có mạch Trì mà hữu lực, không thuộc mạch bệnh.

Mạch lý: Mạch Trì chủ chứng Hàn, do Dương khí bất túc, sự thúc đẩy vận hành của huyết không đủ lực, nên mạch đến một hơi không đủ bốn chí. Nếu âm hàn tích trệ, dương mất đi sự kiện vận, sự lưu hành của huyết không thông, thì mạch sẽ trì mà có lực. Nếu dương hư mà có hàn, mạch đa phần là trì mà vô lực. Tà nhiệt kết tụ, trở trệ sự vận hành của khí huyết, cũng thấy mạch Trì, nhưng là Trì mà có lực, án chẩn sẽ thấy thực. Mạch trì không thể bao quát đầy đủ về chứng hàn, cần phải kết hợp với triệu chứng mới xác định đầy đủ về hàn chứng.

2 ¿ Mạch Hoãn:


Mạch tượng: một hơi đi được bốn chí. Mạch đến đi đều trì trệ.

Chủ bệnh: chứng thấp, tỳ vị hư nhược.

Mạch lý: thấp tà dính trệ, khí cơ bị thấp tà cản trở, tỳ vị hư nhược, khí huyết không có nguồn, khí huyết không đủ để tạo nguồn sung mãn thúc đẩy, nên xuất hiện mạch trì hoãn. Mạch bình Hoãn, là mạch của khí huyết đầy đủ, bách mạch thông sướng. Nếu trong lúc phát bệnh, nếu mạch chuyển hòa Hoãn, thì đó là dấu hiệu của chính khí đang khôi phục.

3 ¿ Mạch Sáp:


Mạch tượng: mạch Trì, Tế, mà Đoản, đến lui khó khăn rít sáp, không trơn tru, giống như dao cạo nhẹ vào tre.

Chủ bệnh: tinh huyết thiếu hụt, khí trệ huyết ứ, hiệp đàm, hiệp thực (thực ở đây là đồ ăn tích trệ).

Mạch lý: tinh thương huyết thiểu tân khuy (tinh tổn thương, thiếu huyết, tân dịch cạn kiệt), không nhu dưỡng được cho kinh mạch, huyết hanh không thông sướng, mạch khí đến lui rít khó, nên mạch Sáp mà vô lực; khí trệ huyết ứ, đàm, thực (đồ ăn) lưu đình, khí cơ không thông sướng, sự vận hành của huyết bị cản trở, thì mạch Sáp mà có lực.

4 ¿ Mạch Kết:


Mạch tượng: mạch đến Hoãn, có lúc ngưng lại, ngưng không theo nhịp.

Chủ bệnh: âm thịnh khí kết, hàn đàm huyết ứ, trưng hà tích tụ.

Mạch lý: âm thịnh khí cơ uất kết, dương khí bị cản trở, sự vận hành của huyết ứ trệ, nên mạch đến trì trệ, mạch khí không đều, lúc thì ngừng, lúc thì đi, ngừng không đều nhịp. Thường thấy trong các triệu chứng hàn đàm huyết ứ dẫn đến bệnh tắc nghẽn tâm mạch. Mạch kết thường thấy trong hư chứng, đa phần là vì bệnh lâu ngày dẫn đến hư lao, khí huyết suy, mạch khí không liên tục, nên thượng có lúc ngưng lại, khí huyết tiếp tục thì lại thấy mạch, nhịp đi không nhất định.

d ¿ Nhóm mạch Sác:


Mạch tượng của mạch Sác gồm có bốn loại: Sác, Tật, Xúc, Động. Nhịp mạch nhanh, một hơi hơn năm chí, nên đều quy nạp vào một loại.

1 ¿ Mạch Sác:


Mạch tượng: một hơi mạch đến từ năm chí trở lên.

Chủ bệnh: chứng nhiệt. Có lực là thực nhiệt; vô lực là hư nhiệt.

Mạch lý: tà nhiệt thịnh bên trong, sự vận hành của khí huyết tăng nhanh, nên thấy mạch Sác. Vì tà nhiệt thịnh, chính khí không hư, chính tà giao tranh kịch liệt, nên mạch sác mà có lực, chủ chứng thực nhiệt. Nếu bệnh lâu ngày tổn thương đến âm, âm hư nội nhiệt, thì mạch tuy sác mà vẫn vô lực. Nếu mạch biểu hiện Phù Sác, trọng án thấy không có căn, thì đó là hư dương phù vượt, là nguy chứng.

2 ¿ Mạch Tật:


Mạch tượng: mạch đến gấp gáp, một hơi 7 ¿ 8 chí.

Chủ bệnh: dương cực thịnh, âm hao kiệt. Nguyên dương đang thoát.

Mạch lý: chứng thực nhiệt dương kháng lên trên không được chế lại, chân âm mất dần, nên mạch đến gấp gáp mà án thấy đầy chắc. Nếu âm dịch khô kiệt, dương khí vượt ra ngoài muốn thoát, thì xuất hiện mạch tật vô lực.

3 ¿ Mạch Xúc:


Mạch tượng: mạch đến nhanh, thỉnh thoảng ngừng, ngừng không theo nhịp

Chủ bệnh: dương nhiệt kháng thịnh lên trên; khí, huyết, đàm, thực (đồ ăn) uất trệ.

Mạch lý: dương nhiệt cực thịnh, hoặc khí huyết đàm ẩm, đồ ăn uất trệ hóa nhiệt, chính tà đấu tranh, huyết vận hành cấp tốc, nên mạch đến gấp gáp. Tà khí trở trệ, âm dương bất hòa, mạch khí không liên tục, nên có lúc mạch ngừng lại, sau khi ngừng lại tiếp tục, khi chạm tay vào mạch thì thấy có lực, mạch ngừng không theo nhịp. Mạch Xúc cũng có thể thấy trong hư chứng. Nếu nguyên âm khuy tổn, thì thấy nhịp mạch có lúc ngừng, ngừng không theo nhịp, nhưng Xúc mà vô lực, đó là dấu hiệu của hư thoát.

4 ¿ Mạch Động:


Mạch tượng: hình tượng mạch như hạt đậu, lăn tăn dao động, Hoạt Sác có lực.

Chủ bệnh: chứng đau, kinh chứng (co giật). Phụ nữ thời kỳ mang thai, có thể xuất hiện mạch Động. Mạch này đối với thời kỳ đầu mang thai, có một giá trị chẩn đoán nhất định.

Mạch lý: mạch động là biểu hiện của âm dương bất hòa, thăng giáng thất điều, khiến khí huyết sung động, nên mạch đạo theo khí huyết sung động mà hiển thị ra ngoài mạch Động. Đau là do âm dương bất hòa, khí huyết bất thông; kinh là do khí huyết rối loạn.

e ¿ Nhóm mạch Hư:


Mạch tượng của nhóm mạch hư gồm có 5 loại mạch là: Hư, Tế, Vi, Đại, Đoản. Mạch động dưới ngón tay vô lực, nên quy nạp vào một loại.

1 ¿ Mạch hư:


Mạch tượng: ba bộ mạch đều vô lực, đè xuống thấy rỗng hư.

Chủ bệnh: hư chứng

Mạch lý: khí hư không đủ để vận hành huyết, nên mạch đến vô lực. Huyết hư không đủ để sung doanh cho mạch đạo, nên đè xuống thấy rỗng hư. Do khí hư không thâu liễm, trướng ra ngoài, huyết hư khí không có nơi ẩn náu mà phù ra ngoài, mạch đạo trì trệ, nên hình thái mạch lớn mà thế lại mềm nhuyễn.

2 ¿ Mạch Tế:


Mạch tượng: mạch nhỏ như sợi dây, nhưng ứng rõ ràng dưới ngón tay.

Chủ bệnh: khí huyết lưỡng hư, các chứng hư tổn, chứng thấp.

Mạch lý: mạch Tế là do khí huyết đều hư mà có. Doanh huyết khuy hư không thể sung doanh cho mạch đạo, khí không đủ thì không có lực để thúc đẩy huyết dịch vận hành, nên mạch Tế nhỏ, mà vô lực. Thấp tà tắc trở mạch đạo, tổn thương dương khí cũng xuất hiện mạch Tế.

3 ¿ Mạch Vi:


Mạch tượng: rất nhỏ, rất mềm, đè xuống giống như muốn tuyệt, như không có.

Chủ bệnh: âm dương khí huyết đều hư, dương khí suy vi.

Mạch lý: dương khí suy vi, không có lực để thúc động; huyết suy vi không sung đầy mạch đạo, nên thấy mạch Vi. Phù thủ để thăm dò dương, nếu khinh thủ (đặt nhẹ tay) để thăm dò, mà thấy không có lực thì đó là dương suy. Trầm thủ để thăm dò âm, nếu trọng thủ (đè mạnh tay) mà thấy không có lực thì là âm khí kiệt. Bệnh lâu ngày chính khí tổn thất, khí huyết khuy hao, chính khí sắp cạn, nên bệnh lâu ngày sẽ có mạch Vi, là dấu hiệu khí sẽ tuyệt; bệnh mới mà có mạch Vi, đó là do dương khí bạo thoát, cũng có thể thấy mạch Vi trong chứng dương hư ngoại tà xâm tập.

4 ¿ Mạch Đại (thường gọi là mạch Đợi là chờ đợi, để tránh nhầm lẫn với chữ Đại là to lớn ):


Mạch tượng: mạch đến có lúc dừng, dừng có nhịp đều, một lúc lâu thì lại đi.

Chủ bệnh: tạng khí suy vi, chứng phong, chứng đau.

Mạch lý: tạng khí suy vi, khí huyết khuy tổn, khiến cho mạch khí không thể liên tiếp mà ngừng lại, không thể tự hoàn, phải một hồi lâu mới động lại. Trong chứng phong, các chứng đau thì thường thấy mạch Đợi. Tà khí xâm phạm, gây tắc trở kinh mạch, khiến cho mạch khí trở trệ, không thể liên tiếp được thì là thực chứng. Mạch Đợi cũng có thể thấy ở thai phụ tỏng giai đoạn mới mang thai, vì tinh khí ngũ tạng tập trung tại bào cung để sung dưỡng cho thai nguyên, mạch khí trong nhất thời không thể liên tiếp được, nên thấy mạch Đợi. Nhưng đôi lúc mạch Đợi cũng có thể xuất hiện ở cả những người không mang thai; ngoài ra, ở những phụ nữ có thể chất bẩm tố hư nhược, tạng khí không sung mãn, lại thêm thường hay nôn ọe, khí huyết cạn không sung dưỡng được cho bào thai, mạch khí mất dần, không liên tục được mà xuất hiện mạch Đợi.

5 ¿ Mạch Đoản:


Mạch tượng: đầu đuôi đều ngắn, không đầy được mạch bộ.

Chủ bệnh: bệnh về khí. Có lực thì đó là khí trệ; vô lực là khí hư.

Mạch lý: khí hư không đủ để thống soái cho huyết, thì mạch không thể động hết được hai đầu Thốn, và Xích, mạch đến ngắn mà vô lực. Cũng có khi do khí uất huyết ứ, hoặc đàm trệ thực tích (đồ ăn tích trệ), trở ngại mạch đạo, khiến cho mạch khí không đạt được hết mà sinh mạch Đoản, nhưng là Đoản mà có lực. Nên mạch Đoản không thể xem là mạch bất túc, cần chú ý điểm quan trọng là có lực, hay không có lực.

f ¿ Nhóm mạch Thực:


Mạch tượng nhóm mạch Thực gồm có 5 loại là: Thực, Hoạt, Huyền, Khẩn, Trường. Mạch động ứng dưới ngón tay có lực, nên được quy vào một nhóm.

1 ¿ Mạch Thực:


Mạch tượng: cả 3 bộ cử án đều có lực.

Chủ bệnh: thực chứng.

Mạch lý: tà khí mạnh mẽ, mà chính khí không hư, tà chính đấu tranh với nhau, khí huyết ứ đầy, mạch đạo căng đầy, nên khi án mạch, thấy mạch chắc đầy có lực. Người bình thường không bệnh, hoặc khỏe mạnh cũng thấy mạch thực, đấy là do khí huyết sung túc, biểu hiện công năng tạng phủ tốt. Mạch thực của người khỏe mạnh thường là tịnh, mà hòa hoãn, so với mạch Thực chủ bệnh là tính táo cấp, cứng rắn có khác nhau.

2 ¿ Mạch Hoạt:


Mạch tượng: đến lui trơn tru, như viên bi lăn trên bàn, chạm tay vào thấy tròn trơn.

Chủ bệnh: đàm ẩm, thực tích (đồ ăn tích trệ), thực nhiệt (nhiệt mạnh).

Mạch lý: tà khí ứ đầy bên trong, chính khí không suy, khí mạnh mẽ, huyết tuôn trào, nên mạch đến lui cực kỳ trơn tru, chạm tay vào án thì thấy tròn trơn. Nếu là mạch Hoạt ở người khỏe mạnh, thì hoạt mà Hòa Hoãn, đều là do khí huyết sung thịnh, khí sung thì mạch trôi chảy; huyết thịnh thì mạch đạo được sung doanh, nên mạch đến hoạt mà hòa hoãn. Phụ nữ mang thai cũng có mạch Hoạt, đó là biểu hiện của khí huyết sung thịnh mà điều hòa.

3 ¿ Mạch Huyền:


Mạch tượng: mạch thằng mà dài, như chạm vào dây đàn.

Chủ bệnh: bệnh của Can Đởm, đàm ẩm, chứng đau, ngược tật (sốt rét, sốt nóng lạnh).

Mạch lý: Huyền là biểu hiện của mạch khí khẩn trương. Can chủ sơ tiết, điều hóa khí cơ tạng phủ bách hài, cần phải nhu hòa. Nếu tà khí trở trệ ở Can, công năng sơ tiết bị mất đi, khí uất không thông lợi thì sẽ xuất hiện mạch Huyền. Các chứng đau, đàm ẩm, khí cơ trở trệ, âm dương bất hòa, khiến cho mạch khí khẩn trương, nên xuất hiện mạch Huyền. Ngược tà sinh bệnh, ẩn nấp ở bán biểu bán lý, cửa ngõ của Thiếu dương không thông lợi, nên thấy mạch huyền. Hư lao nội thương, trung khí bất túc, bệnh của Can liên lụy đến Tỳ, cũng thấy xuất hiện mạch Huyền. nếu Huyền mà Tế (nhỏ) cứng, như cà lên mũi dao, thì đó là Vị khí đã hết, bệnh khó trị.

4 ¿ Mạch Khẩn:


Mạch tượng: mạch đến bó chặt, hình trạng như sợi dây thừng căng ra và xoắn từng đợt.

Chủ bệnh: chứng hàn, chứng đau.

Mạch lý: hàn tà xâm tập vào cơ thể, đấu tranh với chính khí, khiến cho mạch đạo khẩn trương gấp rút, nên thấy mạch Khẩn. Các chứng đau mà thấy mạch Khẩn, cũng là do hàn tà tích trệ, đấu tranh với chính khí mà sinh ra.

5 ¿ Mạch trường:


Mạch tượng: kéo dài hết cả 3 bộ, có cảm giác không có kết thúc, vượt ra khỏi bộ vị.

Chủ bệnh: Can dương hữu dư, hỏa nhiệt tà độc, cùng với các chứng hữu dư khác.

Mạch lý: người khỏe mạnh chính khí đầy đủ, trăm mạch đều thông sướng mà không bị tổn thương, khí cơ thăng giáng điều sướng, mạch đến dài mà hòa hoãn; nếu Can dương hữu dư, dương thịnh nội nhiệt, tà khí mạnh mẽ, tràn trề trong mạch đạo, thêm vào đó tà chính đấu tranh với nhau, mach đến sẽ thấy Trường (dài), mà cứng thẳng, hoặc có mạch khác kèm theo, thì đó là mạch bệnh.

B ¿ Mạch tương kiêm và chủ bệnh (mạch kèm theo và chủ bệnh).


Mạch tương kiêm là ý nói đến những mạch kèm theo cùng với mạch chủ bệnh. Từ Linh Thai (徐灵胎) gọi là ¿Hợp mạch¿. Hợp mạch có chia ra nhị hợp, tam hợp, tứ hợp mạch.

Chủ bệnh của mạch tượng tương kiêm thường kết hợp với các mạch chủ bệnh khác. Như mạch Phù là ở biểu, Sác là nhiệt, Phù Sác là biểu nhiệt, cứ từ đó mà suy ra các mạch khác. Các mạch tương kiêm thường thấy trên lâm sàng gồm các mạch sau:

1. Phù Khẩn: biểu hàn, phong tý.

2. Phù Hoãn: thương hàn biểu hư.

3. Phù Sác: biểu nhiệt.

4. Phù Hoạt: phong đàm, biểu chứng hiệp đàm

5. Trầm Trì: lý hàn

6. Huyền Sác: Can nhiệt, Can hỏa.

7. Hoạt Sác: đàm nhiệt, nội nhiệt thực tích.

8. Hồng Sác: khí phận nhiệt thịnh.

9. Trầm Huyền: Can uất khí trệ, thủy ẩm đình trệ.

10. Trầm Sáp: huyết ứ.

11. Huyền Tế: Can Thận âm hư, Can uất tỳ hư.

12. Trầm Hoãn: Tỳ hư, thủy thấp đình lưu.

13. Trầm Tế: âm hư, huyết hư.

14. Huyền Hoạt Sác: Can hỏa hiệp đàm, đàm hỏa uẩn chứa bên trong.

15. Trầm Tế Sác: âm hư, huyết hư có nhiệt.

16. Huyền Khẩn: đau do hàn, hàn trệ Can mạch.

VII ¿ CHẨN MẠCH TIỂU NHI


Chẩn mạch tiểu nhi có sự khác nhau so với người lớn, vì mật độ bộ vị thốn khẩu của tiểu nhi rất nhỏ, khó phân ra ba bộ Thốn, Quan, Xích. Ngoài ra, trẻ con trên lâm sàng, khi thăm khám thường hay sợ hãi kêu khóc, khi trẻ khó thì khí loạn, mạch khí đều loạn, nên khó xem mạch ở bàn tay. Các y gia đời sau thường dùng một ngón để tổng khám ba bộ. Áp dụng cách này, người thầy thuốc dùng tay trái nắm lấy tay trẻ, tay phải dùng ngón cái để án vào vùng thốn khẩu của trẻ, đồng thời thăm khám cả ba bộ một lúc. Đối với trẻ bốn tuổi trở lên, thì dùng ngón cái chạm vào bộ quan, sau đó lăn đến lăn lui để kiểm tra ba bộ; trẻ 7-8 tuổi trở lên thì có thể dịch chuyển nhẹ ngón cái để thăm khám ba bộ; 9 tuổi đến 10 tuổi trở lên, thì có thể lần lượt dùng ngón cái kiểm tra từng bộ; từ 16 tuổi trở lên thì thăm khám như người lớn.

Ở tiểu nhi, chỉ cần các mạch Phù, Trầm, Trì, Sác, để định biểu, lý, hàn, nhiệt; nhìn thần sắc và thân thể xem hữu lực hay vô lực, mà định hư thực, không cần phải dùng 28 bộ mạch như người lớn. Ngoài ra, tiểu nhi thận khí chưa sung mãn, mạch khí chỉ có ở tầm trung, bất luận là Phù hay Trầm, nếu án sâu xuống là không thấy. Nếu ấn sâu mà thấy, thì cũng giống như mạch Lao, Thực của người lớn.

VIII ¿ MẠCH CHỨNG THUẬN NGHỊCH VỚI TÙNG XÁ


1. Mạch chứng thuận nghịch:


mạch chứng thuận nghịch là ý nói đến từ sự tương ứng hai và không tương ứng của mạch và chứng, để phán phán đoán sự thuận nghịch của bệnh tật. Trong một số tình huống, thì mạch và chứng là một, tức là mạch và chứng tương ứng; nhưng cũng có lúc, mạch và chứng không cùng nhau, đó là mạch và chứng không tương ứng. Thậm chí còn sẽ xuất hiện tình huống ngược nhau. Từ sự phán đoán thuận nghịch của bệnh tật mà nói, mạch chứng tương ứng là chủ bệnh thuận; không tương ứng là chủ nghịch. Nghịch thì chủ hung (không tốt). Nói chung, phàm là chứng bệnh hữu dư, thấy mạch Hồng, Sác, Hoạt, Thực, thì đó gọi là mạch chứng tương ứng, là thuận, biểu thị tà thực chính thịnh, chính khí đầy đủ để kháng tà; nếu ngược lại thấy mạch tượng Tế, Vi, Nhược, thì đó là mạch chứng tương phản, là chứng nghịch, cho thấy tà thịnh chính hư, dễ dẫn đến tà hãm bên trong. Lại như có bệnh nặng, mạch đến Phù, Hồng, Sác, Thực thì đó là thuận, phản ánh chính khí sung thịnh, có thể kháng tà; bệnh lâu ngày mà mạch Trầm, Vi, Tế, Nhược, là thuận, cho thấy có dấu hiệu tà suy, chính khí phục hồi. Nếu bệnh mới mà thấy mạch Trầm, Tế, Vi, Nhược, thì cho thấy chính khí đã suy; bệnh lâu mà thấy mạch Phù, Hồng, Sác, Thực, thì đó là biểu hiện chính khí suy, tà khí không lui, đều thuộc chứng nghịch.

2. Mạch chứng tùng xá (tùng xá nghĩa là theo hoặc bỏ):


Ngoài tình huống mạch chứng không tương ứng ra, trong đó còn có Chân, Giả, hoặc Chứng chân mạch giả, hoặc Chứng giả mạch chân. Cho nên trên lâm sàng, còn cần phải phân biệt rõ chân giả của mạch chứng, để quyết định theo hoặc bỏ, hoặc bỏ mạch theo chứng; hoặc bỏ chứng theo mạch.

Bỏ mạch theo chứng: trong tình huống Chứng chân mạch giả, thì cần phải bỏ mạch theo chứng. Ví dụ: triệu chứng có bụng trướng đầy, đau đớn cự án, đại tiện táo kết, lưỡi đỏ rêu vàng dày khô, mà mạch Trì, Tế, phản ánh của triệu chứng là thực nhiệt nội kết ở trường vị, là chân (thật); phản ánh của mạch là vì nhiệt kết ở lý, trở trệ sự vận hành của huyết dịch, nên xuất hiện mạch Trì, Tế, đó là giả. Lúc đó thì cần phải bỏ mạch mà theo chứng.

Bỏ chứng theo mạch: trong tình huống Chứng giả mạch chân, thì cần phải bỏ chứng mà theo mạch. Ví dụ: chứng thương hàn, nhiệt bế bên trong, biểu hiện tứ chi quyết lạnh, mà mạch Hoạt, Sác, phản ánh của mạch là chân nhiệt; phản ánh của chứng là do nhiệt tà ẩn nấp bên trong, đẩy âm ra bên ngoài, xuất hiện tứ chi quyết lãnh, đó là giả hàn. Lúc này cần phải bỏ chứng mà theo mạch.

Nguồn: Y Học Cổ Truyền

Đơn vị chia sẻ thông tin

  • Nhà Thuốc Thân Thiện - Friendly Pharmacy
  • Hotline: 0916893886 - 0856905886
  • Website: nhathuocthanthien.com.vn
  • Địa chỉ: Số 10 ngõ 68/39 đường Cầu Giấy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội
Điểm 4.6/5 dựa vào 87 đánh giá